13 tháng 7, 2007

Vật liệu compozit sẽ thay thế kim loại và bê-tông trong giao thông đường bộ

Vật liệu compozit sẽ thay thế kim loại và bê-tông trong giao thông đường bộ

 
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu ứng dụng vật liệu Polyme compozit (PC) để thay thế kim loại và bê-tông trong giao thông đường bộ Hà Nội". Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc và kiến nghị thành phố cho áp dụng trên diện rộng.

PC dùng làm lan can phòng hộ, dải phân cách, biển báo giao thông đã có mặt trên một số tuyến phố và chứng tỏ được sự ưu việt so với một số loại vật liệu truyền thống đang được sử dụng.

TS Bạch Trọng Phúc, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện nay, dải phân cách bằng trụ bê-tông chưa đa dạng về loại hình, độ thẩm mỹ hạn chế, khó khăn khi vận chuyển, lắp đặt và chi phí duy tu hằng năm lớn. Khắc phục điểm yếu này, đưa PC với tính năng đàn hồi cao, nhẹ, an toàn cho người tham gia giao thông là mong muốn của chúng tôi. Đến nay, công việc diễn ra khá thuận lợi và thu được kết quả tốt.

Nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ tạo sản phẩm PC ứng dụng trong giao thông. Đặc biệt, việc thử nghiệm tạo vật liệu PC có thêm sợi đay và sợi tre, hai sản phẩm rất sẵn ở nước ta, cho kết quả khả quan...

Từ tháng 6/2004, 200m dải phân cách, 20m lan can phòng hộ và 20 bộ biển báo giao thông bằng PC đã được lắp đặt tại đường Âu Cơ, Xuân Diệu, Thanh Niên, Nghi Tàm, Lê Đại Hành, Điện Biên Phủ và trước Quảng trường 19-8 (Nhà hát lớn).

Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc Công ty Công trình giao thông 3 (Sở GTCC), đơn vị được giao ứng dụng thử cho biết: Vật liệu PC rất thuận lợi cho việc lắp đặt, bảo dưỡng, bảo trì, đáp ứng được các tiêu chuẩn mỹ thuật và cơ lý theo quy định của ngành giao thông. Trước đây, khi lắp đặt dải phân cách bê-tông, chúng tôi phải sử dụng máy cẩu nhưng nay thì không. Một cấu kiện bằng PC có hình dáng giống hệt bê-tông chỉ cần hai người khiêng và lắp đặt. Muốn di chuyển đi nơi khác chỉ cần tháo nước bên trong ra. Riêng việc dùng PC làm lan can phòng hộ đã giảm thiểu chấn thương cho người không may va phải.

Thí dụ: Tại một "điểm đen" là đoạn cua trên đường Âu Cơ, trước đây có rất nhiều tai nạn chết người. Nhưng khi đổi bằng PC, người dân chung quanh cho biết, số vụ chết người hay chấn thương nặng đã giảm do vật liệu này có sự đàn hồi, làm giảm chấn động khi có va đập. Đáng chú ý là sau mỗi trận mưa, PC được rửa rất sạch nên hạn chế tối đa việc vệ sinh bằng lao động thủ công. Sản phẩm lại không bị bay mầu nên không phải sơn lại.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là làm sao đế hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, dải phân cách bằng PC có giá thành cao gấp đôi so với làm bằng bê-tông. Trong khi đó, lan can phòng hộ và biển báo giao thông bằng vật liệu này có giá ngang với sản phẩm bằng thép. Theo các nhà khoa học, sở dĩ giá thành cao là do sản xuất quy mô nhỏ, đơn chiếc. Hiện phương pháp sản xuất chủ yếu vẫn chỉ là ép nóng với thời gian là 5 phút/sản phẩm. Nếu được đầu tư đồng bộ về dây chuyền, sử dụng nguyên liệu tái chế với tỷ lệ nhất định, vấn đề giá thành không đáng lo ngại.

Một tin vui với nhóm thực hiện đề tài là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Hoàng Ân đã nhất trí để Công ty Công trình giao thông 3 được tiếp nhận quy trình công nghệ nói trên để sản xuất thử và tiến tới sản xuất đại trà lan can phòng hộ, dải phân cách và biển báo giao thông bằng PC. Trước mắt việc bố trí các loại trên có thể được áp dụng tại một số "điểm đen" về giao thông của thành phố...

 (Theo Hà Nội mới)

Không có nhận xét nào: